Trang chủ Hoạt động giáo dục Hoạt động chuyên môn

Phiếu ôn tập, củng cố kiến thức trong hè - Lớp 5

10/06/2021
Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhằm giúp các bạn học sinh chủ động ôn tập, củng cố kiến thức, kỹ năng tại nhà trong thời gian nghỉ phòng chống dịch, các cô giáo khối lớp 5 xin gửi tới quý PHHS và các em một số bài tập môn Tiếng Việt

PHIẾU SỐ 1

Đọc bài sau và trả lời câu hỏi: (Thời gian: 35 phút)

Hai mẹ con

    Lần đầu mẹ đưa Phương vào lớp 1, cô giáo kêu mẹ ký tên vào sổ, mẹ bẽn lẽn nói: “Tôi không biết chữ!”. Phương thương mẹ quá! Nó quyết định học cho biết chữ để chỉ giúp mẹ cách ký tên.

    Sáng nào mẹ cũng đưa Phương đến lớp. Bữa đó, đi ngang qua đoạn lộ vắng giữa đồng, hai mẹ con chợt thấy cụ Tám nằm ngất bên đường. Mẹ nói: “Tội nghiệp cụ sống một mình”. Rồi mẹ bảo Phương giúp mẹ một tay đỡ cụ lên, chở vào bệnh viện.

    Hôm ấy, lần đầu Phương đến lớp trễ, cô giáo lấy làm lạ, hỏi mãi, Phương không dám nói, trong đầu nó nghĩ: Lỗi tại mẹ! Nó lo bị nêu tên trong tiết chào cờ đầu tuần, bởi vi phạm nội quy. Nó thấy giận mẹ. Về nhà, Phương không ăn cơm, nó buồn và hơi ngúng nguẩy. Mẹ dịu dàng dỗ dành, Phương vừa khóc vừa kể lại chuyện. Mẹ nói: “Không sao đâu con, để ngày mai mẹ xin lỗi cô giáo.”

     Hôm sau, mẹ dẫn Phương đến lớp. Chờ cô giáo tới, mẹ nói điều gì với cô, cô cười và gật đầu. Tiết chào cờ đầu tuần đã đến. Phương giật thót mình khi nghe cô hiệu trưởng nhắc tên mình: “Em Trần Thanh Phương… Em còn nhỏ mà đã biết giúp đỡ người neo đơn, hoạn nạn… Việc tốt của em Phương đáng được tuyên dương”.

    Tiếng vỗ tay làm Phương bừng tỉnh. Mọi con mắt đổ dồn về phía nó. Nó cúi gầm mặt xuống, cảm thấy ngượng nghịu và xấu hổ. Vậy mà nó đã giận mẹ!

                                                                                                      (Theo: Nguyễn Thị Hoan)

Câu 1: Điền từ ngữ thích hợp vào chỗ trống để được ý đúng

Phương thương mẹ quá! Nó quyết định……. cách ký tên.

Câu 2: Vì sao sau buổi đi học muộn, Phương cảm thấy giận mẹ?

A. Vì Phương nghĩ rằng mẹ làm cho Phương bị vi phạm nội quy.

B. Vì Phương nghĩ rằng mẹ làm cho Phương bị cô giáo hỏi mãi.

C. Vì Phương nghĩ rằng mẹ làm cho Phương ngượng nghịu xấu hổ.

D. Vì Phương nghĩ rằng mẹ làm cho Phương đã bị nêu tên ở tiết chào cờ.

Câu 3: Theo em, vì sao khi được tuyên dương về việc giúp đỡ người neo đơn, hoạn nạn Phương lại cảm thấy “ngượng nghịu và xấu hổ”?

A. Vì Phương nghĩ đó là thành tích của mẹ.

B. Vì Phương trót nghĩ sai về mẹ và đã giận mẹ.

C. Vì Phương nghĩ việc đó không đáng khen.

D. Vì Phương thấy mọi người đều nhìn mình.

Câu 4: Dựa vào bài tập đọc, xác định các câu tục ngữ dưới đây đúng hay sai?  - Khoanh vào “Đúng” hoặc “Sai”

                                Thông tin

        Trả lời

Con cái khôn ngoan vẻ vang cha mẹ.

Đúng / Sai

Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.

Đúng / Sai

Thương người như thể thương thân.

Đúng / Sai

Thương nhau củ ấu cũng tròn.

Đúng / Sai

Câu 5: Theo em, Chuyện gì xảy ra khiến Phương đến lớp trễ?

……………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………

Câu 6: Vào vai Phương, viết vào dòng trống những điều Phương muốn nói lời xin lỗi mẹ.

……………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………

Câu 7: Dòng nào dưới đây nêu đúng và đủ các cách liên kết câu trong đoạn đầu của bài (từ: “Lần đầu mẹ đưa…………………cách ký tên” )?

A. Lặp từ ngữ; thay thế từ ngữ.

B. Lặp từ ngữ; dùng từ ngữ nối.

C. Thay thế từ ngữ; dùng từ ngữ nối.

D. Lặp từ ngữ; thay thế từ ngữ; dùng từ ngữ nối.

Câu 8: Đoạn thứ ba của bài (“Hôm ấy, lần đầu Phương đến lớp trễ…….thấy giận mẹ.”) có mấy câu ghép?

A. 1 câu ghép

B. 2 câu ghép

C. 3 câu ghép

D. 4 câu ghép

Câu 9: Bộ phận vị ngữ trong câu: “Bữa đó, đi ngang qua đoạn lộ vắng giữa đồng, hai mẹ con chợt thấy cụ Tám nằm ngất bên đường”. là những từ ngữ nào?

…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Câu 10: Tìm từ đồng nghĩa với từ “giúp đỡ” rồi đặt một câu với từ vừa tìm được. .

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

 

PHIẾU SỐ 2

 

Đọc bài sau và trả lời câu hỏi: (Thờigian: 35 phút)

 

NGƯỜI CHẠY CUỐI CÙNG

        Cuộc thi chạy hàng năm ở thành phố tôi thường diễn ra vào mùa hè.

        Nhiệm vụ của tôi là ngồi trong xe cứu thương, theo sau các vận động viên, phòng khi có ai đó cần được chăm sóc y tế. Khi đoàn người tăng tốc, nhóm chạy đầu tiên vượt lên trước. Chính lúc đó hình ảnh một người phụ nữ đập vào mắt tôi. Tôi biết mình vừa nhận diện được “người chạy cuối cùng”. Bàn chân chị ấy cứ chụm vào mà đầu gối cứ đưa ra. Đôi chân tật nguyền của chị tưởng chừng như không thể nào bước đi được, chứ đừng nói là chạy. Nhìn chị chật vật đặt bàn chân này lên trước bàn chân kia mà lòng tôi tự dưng thở dùm cho chị , rồi reo hò cổ động cho chị tiến lên. Người phụ nữ vẫn kiên trì tiến tới, quả quyết vượt qua những mét đường cuối cùng.Vạch đích hiện ra, tiếng người la ó ầm ĩ hai bên đường. Chị chầm chậm tiến tới, băng qua, giật đứt hai đầu sợi dây cho nó bay phấp phới sau lưng tựa như đôi cánh.

        Kể từ hôm đó, mỗi khi gặp phải tình huống quá khó khăn tưởng như không thể làm được, tôi lại nghĩ đến “người chạy cuối cùng”. Liền sau đó mọi việc trở nên nhẹ nhàng đối với tôi.

Theo John Ruskin

 

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất và trả lời các câu còn lại.

 

Câu 1. Cuộc thi chạy hàng năm ở thành phố tác giả thường tổ chức vào mùa nào?

A. Mùa xuân

B. Mùa hè

C. Mùa thu

D. Mùa đông

Câu 2: Nhiệm vụ của nhân vật “tôi” trong bài là:

A. Đi thi chạy.

B. Đi diễu hành.

C. Đi cổ vũ.

D. Chăm sóc y tế cho vận động viên.

Câu 3: “Người chạy cuối cùng” trong cuộc đua có đặc điểm gì?

A. Là một em bé.

B . Là một cụ già.

C .Là một người phụ nữ có đôi chân tật nguyền.

D. Là một người đàn ông mập mạp.

Câu 4:Nội dung chính của câu chuyện là :

A. Ca ngợi người phụ nữ đã vượt qua được khó khăn, vất vả giành chiến thắng trong cuộc thi.

B. Ca ngợi người phụ nữ có đôi chân tật nguyền có nghị lực và ý chí đã giành chiến thắng trong cuộc thi chạy.

C. Ca ngợi tinh thần chịu thương, chịu khó của người phụ nữ.

D. Ca ngợi sự khéo léo của người phụ nữ.

Câu 5: Mỗi khi gặp phải tình huống quá khó khăn tưởng như không thể làm được, tác giả lại nghĩ đến ai?

……………………………………………………………………………………….

Câu 6: Em rút ra bài học gì khi đọc xong bài văn trên?

………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………….

……………………………………………………………………………………….

Câu 7: Khoanh vào chữ cái trước từ đồng nghĩa với từ “kiên trì”?

A. nhẫn nại

B. chán nản

C. dũng cảm

D. hậu đậu

Câu 8: Dấu phẩy trong câu văn : “Vạch đích hiện ra, tiếng người la ó ầm ĩ hai bên đường.” có tác dụng gì?

………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………...

Câu 9: Viết 2 từ láy có trong bài văn trên

………………………………………………………………………………………

Câu 10: Cho câu văn:

        Kể từ hôm đó, mỗi khi gặp phải tình huống quá khó khăn tưởng như không thể làm được, tôi lại nghĩ đến “người chạy cuối cùng”.

Phân tích cấu tạo câu văn trên và cho biết đó là câu đơn hay câu ghép

……………………………………………………………………………………….

……………………………………………………………………………………….

……………………………………………………………………………………….

 

 

 

 



Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá

Chia sẻ:

Bài viết nổi bật