Trang chủ Hoạt động giáo dục Hoạt động chuyên môn

Phương pháp ghi nhớ kiến thức hay cho học sinh Tiểu học

22/09/2021
Sau những tuần học đầu tiên với nhiều bỡ ngỡ, giờ đây những học sinh khối 4 trường Tiểu học Thành Công A đã tự tin nắm bắt nội dung và phương pháp học tập các môn học trong chương trình.

Bắt đầu năm học bằng những tiết học trực tuyến, những học sinh mới từ lớp 3 lên lớp 4 đã không khỏi bỡ ngỡ với những môn học và cách học mới. Với phân môn Tiếng Việt, ở lớp 3, học sinh được rèn để viết đoạn văn ngắn khoảng 10 câu theo chủ đề giáo viên yêu cầu. Lên lớp 4, các em phải viết một bài văn hoàn chỉnh có các yếu tố miêu tả, biểu cảm, tưởng tượng ... theo kết cấu mở bài, thân bài và kết bài. Bên cạnh lượng kiến thức được mở rộng hơn theo vòng tròn đồng tâm ở hai môn Toán và Tiếng Việt, chương trình lớp 4 còn có môn học mới: Khoa học, Lịch sử và Địa lý – được kế thừa và phát triển từ môn Tự nhiên xã hội ở các lớp dưới. Quá trình tiếp thu kiến thức mới đòi hỏi khả năng tư duy linh hoạt bởi lượng kiến thức lớp 4 liên quan trực tiếp đến lớp 5 và là tiền đề cho các em tiếp tục học ở cấp THCS. Vậy, làm thế nào để giúp các em học sinh vượt qua thời kì “khủng hoảng” mang tên lớp 4 trong giai đoạn học trực tuyến?

Để giúp các em nhanh chóng làm quen và thích thú với các môn học, đội ngũ giáo viên khối 4 đã không ngừng học hỏi, vận dụng những phương pháp dạy học mới. Sơ đồ tư duy là một trong những phương pháp ghi nhớ kiến thức hay dành cho học sinh.

        Sơ đồ tư duy là gì? Sơ đồ tư duy là phương pháp kết nối mang tính đồ họa, có tác dụng lưu giữ, sắp xếp và xác lập ưu tiên đối với mỗi loại thông tin bằng cách sử dụng từ hay hình ảnh then chốt hoặc gợi nhớ nhằm làm “bật lên” những ký ức cụ thể và phát sinh các ý tưởng mới.

        Lợi ích của sơ đồ tư duy đối với trẻ là gì?

  1. Ứng dụng để trí nhớ siêu đẳng
  2. Kích thích trí tưởng tượng, óc sáng tạo
  3. Tăng cường chức năng 2 bán cầu não

3 lợi ích “vàng” của sơ đồ tư duy đối với trẻ

        Cách xây dựng sơ đồ tư duy: Sơ đồ tư duy có thể được thể hiện một cách dễ dàng trên một tờ giấy với các loại bút màu khác nhau theo nguyên tắc liên tưởng ý này gợi ý kia của bộ não. Giáo viên có thể gợi ý cho học sinh vẽ sơ đồ tư duy ở dạng đơn giản theo nguyên tắc phát triển ý: từ một chủ đề tạo ra nhiều nhánh lớn, từ mỗi nhánh lại lan tỏa nhiều nhánh nhỏ và cứ thế mở rộng ra vô tận.

          Để vẽ sơ đồ tư duy hiệu quả, học sinh có thể thực hiệc theo các bước cơ bản sau:

            Bước 1: Xác định từ khoá

Bước 2: Vẽ chủ đề chính

Bước 3: Vẽ nhánh chính

Bước 4: Vẽ nhánh phụ

         Để thực hiện các bước này, học sinh cần vẽ một hình ảnh lớn ở trung tâm để thể hiện chủ đề. Học sinh có thể tự do sử dụng tất cả các màu sắc mình yêu thích để hình ảnh thể hiện sinh động, sáng tạo. Tiếp đó, học sinh vẽ một loạt liên kết đậm tỏa ra từ tâm của hình ảnh. Khi vẽ vạch liên kết nên vẽ đường cong hơn là đường thẳng, màu sắc nổi bật vì chúng hấp dẫn hơn với mắt và dễ ghi nhớ hơn đối với não. Tiếp đó, học sinh điền từ khóa vào hình ảnh trung tâm và các nhánh chính. Giáo viên lưu ý học sinh lựa chọn từ khóa ngắn gọn, xúc tích. Với những từ khóa quan trọng, học sinh có thể thay đổi màu sắc và cỡ chữ để tăng sự tập trung.

       Sau 2 tuần học trực tuyến, với sự hướng dẫn cụ thể của các cô giáo khối 4,  học sinh đã bước đầu được làm quen với cách tổng hợp, ôn tập kiến thức thông qua sơ đồ tư duy và đạt được một số hiệu quả nhất định.


Sơ đồ tư duy: Trao đổi chất ở người - môn Khoa học

Sơ đồ tư duy: phân môn Tập làm văn

Sơ đồ tư duy: Cấu tạo của tiếng – phân môn Luyện từ và câu

            Việc vận dụng phương pháp vẽ sơ đồ tư duy không chỉ đem lại hiệu quả cho các môn học ở lớp 4 mà còn có thể áp dụng cho tất cả các khối lớp khác.

         Với gợi ý về phương pháp vẽ sơ đồ tư duy này, các thầy cô mong muốn các con học sinh sẽ dễ dàng ghi nhớ kiến thức và hứng thú hơn trong việc học tập. Các con hãy thỏa sức khám phá và sáng tạo những sơ đồ tư duy theo ý kiến riêng của mình nhé! Chúc các con có thật nhiều giờ học bổ ích và lý thú!

                                                                       Ban truyền thông TH Thành Công A



Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá

Chia sẻ:

Bài viết nổi bật